Trang chủ » MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (ĐẾN NGÀY 28/12/2020)

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH THUẾ, HÓA ĐƠN

  1. Hành vi vi phạm quy định về hóa đơn đặt in (Điều 20):

Bỏ chế tài xử phạt đối với hành vi “không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi đã lập tờ Thông báo phát hành hóa đơn”.

  1. Hành vi vi phạm quy định về in hóa đơn đặt in (Điều 21):

  – Chuyển hình thức xử phạt từ phạt tiền sang phạt cảnh cáo đối với hành vi:

  + Báo cáo về việc nhận in hóa đơn quá thời hạn theo quy định từ 01 đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;

  + Báo cáo về việc nhận in hóa đơn quá thời hạn theo quy định từ 06 ngày đến 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định và có tình tiết giảm nhẹ.

– Bỏ chế tài xử phạt đối với hành vi “không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi bên đặt in đã hoàn thành thủ tục thông báo phát hành”.

  1. Hành vi cho, bán hóa đơn (Điều 22):

– Biên tập lại hành vi cho, bán hóa đơn: Trước đây quy định về xử phạt đối với hành vi cho, bán hóa đơn nằm rời rạc tại nhiều Điều khoản khác nhau, nay được quy định tập trung tại Điều 22.

– Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm cho, bán hóa đơn.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (ĐẾN NGÀY 21/12/2020)

(Về xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thuế (Tiếp theo))

  1. Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn (Điều 16):

– Sửa đổi quy định về khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn:

Trước đây (tại Điều 10 NĐ 129/2013/NĐ-CP, Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): quy định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, tăng số thuế được miễn, giảm nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ.

Quy định mới: quy định cụ thể về hành vi khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

– Sửa đổi quy định về xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế nhưng người nộp thuế đã tự giác khắc phục hậu quả:

Trước đây (tại Điều 10 NĐ 129/2013/NĐ-CP, Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): Hành vi khai sai của người nộp thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP nhưng khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, người vi phạm đã tự giác nộp đủ số tiền thuế khai thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuế hoặc cơ quan thuế lập biên bản kiểm tra thuế, kết luận thanh tra thuế.

Quy định mới: Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nhưng người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

            – Bổ sung thêm một trường hợp xử phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế: “Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn đối với giao dịch liên kết nhưng người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập và gửi cơ quan thuế các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết”.

             – Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm b khoản 2 Điều 16: “Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có)” đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

  1. Hành vi trốn thuế (Điều 17):

– Bỏ cụm từ “gian lận thuế”.

– Sửa đổi quy định về mức phạt tiền áp dụng đối tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế :

Trước đây (tại Tiết a, Khoản 2 Điều 3 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Khoản 7 Điều 2 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): áp dụng nguyên tắc mức phạt tiền của cá nhân bằng ½ lần mức phạt tiền của tổ chức.

Quy định mới (Khoản 5 Điều 5 và Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP): áp dụng chung mức phạt tiền cho cả cá nhân và tổ chức.

– Sửa quy định về áp dụng số lần thuế trốn đối với hành vi trốn thuế:

Nội dungTrước đâyQuy định mới
Phạt 1 lần thuế trốnVi phạm lần đầu hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên.Thực hiện hành vi trốn thuế và có 1 tình tiết giảm nhẹ.
Phạt 1,5 lần thuế trốnVi phạm lần đầu có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần 2 mà có một tình tiết giảm nhẹ.Thực hiện hành vi trốn thuế và mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Phạt 2 lần thuế trốnVi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba nhưng có một tình tiết giảm nhẹ.Thực hiện hành vi trốn thuế và có một tình tiết tăng nặng.
Phạt 2,5 lần thuế trốnVi phạm lần thứ 2 mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.Thực hiện hành vi trốn thuế và có hai tình tiết tăng nặng.
Phạt 3 lần thuế trốnVi phạm từ lần thứ 2 mà có hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ 3 mà có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ 4 trở lênThực hiện hành vi trốn thuế và có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

– Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).

  1. 3. Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế (Điều 18):

Thu hẹp đối tượng bị xử phạt đối với hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế:

Trước đây (tại Điều 12 NĐ số 129/2013/NĐ-CP và Điều 14 Thông tư số 166/2013/NĐ-CP): áp dụng đối với các tổ chức tín dụng nói chung.

Quy định mới (Điều 18 NĐ số 125/2020/NĐ-CP: áp dụng đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế.

  1. Xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan(Điều 19):

– Điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ đối với hành vi “thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế; hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ…”:

Trước đây (tại Điều 13 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 15 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ đối với tổ chức; từ 2.500.000đ đến 5.000.000đ đối với cá nhân.

Quy định mới: phạt tiền từ từ 6.000.000đ đến 16.000.000đ đối với tổ chức; từ 3.000.000đ đến 8.000.000đ đối với cá nhân.

– Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày trở lên.

– Bổ sung quy định về biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19.

VÍ DỤ TẠI ĐÂY

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (ĐẾN NGÀY 14/12/2020)

(Về xử phạt hành vi vi phạm hành chính về thuế)

  1. Hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thuế, thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn (Điều 10):
  • Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn về đăng ký thuế:

Trước đây (Điều 5 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): phạt tiền từ 400.000đ đến 2.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 1.000.000đ đến 10.000.000đ, trong đó quy định phạt tiền từ 6.000.000đ đến 10.000.000đ” đối với hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

– Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

  1. Hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế (Điều 11):

– Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế:

Trước đây (Điều 5 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): phạt tiền từ 400.000đ đến 2.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 500.000đ đến 7.000.000đ.

– Chia hành vi nộp thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn thành 2 hành vi nhỏ với chế tài xử phạt khác nhau:

+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế;

+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế mà có tình tiết giảm nhẹ.

– Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả vào khoản 7 Điều 11: Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 11.

  1. Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế (Điều 12):

– Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế:

Trước đây (Điều 6 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 166/2013/TT-BTC):  phạt tiền từ 400.000đ đến 3.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 500.000đ đến 8.000.000đ.

– Bỏ 03 hành vi: (i) lập hồ sơ khai thuế ghi sai thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trên bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra hoặc trên các tài liệu khác liên quan đến nghĩa vụ thuế; (ii) hành vi lập hồ sơ khai thuế ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trên hóa đơn và chứng từ khác liên quan đến nghĩa vụ thuế; (iii) khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế.

– Sắp xếp hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế theo 3 hành vi nhỏ:

+ Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế (trừ tờ khai thuế) nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế

+ Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

+ Khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế và hành vi khai sai, hành vi trốn thuế nhưng không dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế.

– Tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai sai nhưng không dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế:

Trước đây (Điều 6 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): phạt tiền từ 1.200.000đ đến 3.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 5.000.000đ đến 8.000.000đ.

– Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: 

+ Buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều 12;

+ Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 12.

  1. Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định (Điều 13):

– Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

Trước đây (Điều 7 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): phạt tiền 400.000đ đến 5.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 2.000.000đ đến 25.000.000đ.

– Thay đổi quy định về khung thời gian chậm nộp hồ sơ khai thuế:

Trước đây (Điều 7 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chia thành 6 mức chậm nộp: “từ 01 đến 10 ngày”; “từ trên 10 ngày đến 20 ngày”; “từ trên 20 ngày đến 30 ngày”; “từ trên 30 ngày đến 40 ngày”; “từ trên 40 ngày đến 90 ngày”; “trên 90 ngày”.

Quy định mới: hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chia thành 4 mức chậm nộp: “từ 01 đến 30 ngày”; “từ 31 ngày đến 60 ngày”; “từ 61 đến 90 ngày”; “trên 90 ngày”.

– Tăng mức phạt tiền đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày nhưng không phát sinh số phải nộp và hành vi không nộp hồ sơ khai thuế:

Trước đây (Điều 7 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư số 166/2013/TT-BTC): phạt tiền từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 8.000.000đ đến 15.000.000đ.  

– Bổ sung chế tài xử phạt hành vi “không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp”.

– Quy định mới về chế tài xử phạt đối với “hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế” với mức phạt tiền cao nhất từ 15.000.000đ đến 25.000.000đ. Trường hợp số tiền phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với hành vi này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 13 (từ 8.000.000đ đến 15.000.000đ).

– Bổ sung quy định về biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 6 Điều 13):

+ Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm chậm nộp hồ sơ khai thuế trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;

+ Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều 13.

  1. Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế (Điều 14):

– Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế:

Trước đây (Điều 8 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 10 Thông tư số 166/2013/TT-BTC: phạt tiền từ 400.000đ đến 2.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ.

– Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 14.

  1. Hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (Điều 15):

– Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

Trước đây (Điều 9 NĐ 129/2013/NĐ-CP và Điều 11 Thông tư số 166/2013/NĐ-CP) : phạt tiền từ 800.000đ đến 5.000.000đ.

Quy định mới: phạt tiền từ 2.000.000đ đến 10.000.000đ.

– Bỏ hành vi “Không chấp hành kết luận kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của cơ quan có thẩm quyền”.

– Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 15.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (ĐẾN NGÀY 07/12/2020)

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH THUẾ, HÓA ĐƠN

  1. Biện pháp khắc phục hậu quả

Bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn (khoản 3 Điều 7):

+ Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau.

+ Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin.

+ Buộc lập hóa đơn theo quy định;

+ Buộc tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in;

+ Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn;

+ Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử;

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

  1. Thời hạn truy thu thuế

– Hiện hành: quy định thời hạn truy thu thuế là  mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

– Quy định mới:  quy định thời hạn truy thu thuế 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm chỉ áp dụng đối với khoản thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào NSNN.

Riêng khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền xác định thời hạn truy thu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan nhưng không ít hơn thời hạn truy thu theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 8.

  1. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

– Bổ sung quy định chi tiết trường hợp người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc sự kiện bất khả kháng không bị xử phạt (Khoản 1 Điều 9).

– Bổ sung quy định 2 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế tại Điều 9:

+ Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

+ Không xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

– Bổ sung quy định không áp dụng xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế tại khoản 6 Điều 11 đối với 03 trường hợp: (i) Cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ căn cước công dân; (ii) Cơ quan chi trả thu nhập chậm thông báo thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi người nộp thuế thu nhập cá nhân là các cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân được cấp thẻ căn cước công dân; (iii) Thông báo thay đổi thông tin trên hồ sơ đăng ký thuế về địa chỉ người nộp thuế quá thời hạn quy định do thay đổi địa giới hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Nghị quyết của Quốc hội.

  1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại mẫu biểu Quyết định xử lý vi phạm hành chính:

– Bổ sung thêm thẩm quyền ban hành(bên dưới phần tiêu đề Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về…): 

Trường hợp người ký quyết định xử phạt người đứng đầu cơ quan, tổ chức (Cục trưởng/Chi cục Trưởng) thì tại bên dưới phần tiêu đề Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về…bổ sung thêm thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt, đồng thời tại nội dung bên dưới phần căn cứ pháp lý sửa đổi “Tôi…Chức vụ….”  thành “ Theo đề nghị của…..”

Trường hợp người ký quyết định xử phạt không phải là người đứng đầu cơ quan, tổ chức (Cục trưởng/Chi cục Trưởng) thì không phải bổ sung thêm thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt, đồng thời tại nội dung bên dưới phần căn cứ pháp lý vẫn ghi là “Tôi…Chức vụ….” .

– Về căn cứ pháp lý:

+ Bổ sung trích dẫn Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

+ Bổ sung trích dẫn Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế/Cục thuế/Chi cục Thuế;

+ Bỏ trích dẫn căn cứ pháp lý theo Thông tư;

– Về hành vi vi phạm: tách riêng mục :

+  Đã có các hành vi vi phạm hành chính: …

+  Hành vi vi phạm hành chính quy định tại: …

– Về hiệu lực của Quyết định: trước đây, Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, quy định mới bổ sung Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày…tháng…năm;

– Về tổ chức thực hiện Quyết định: nội dung không thay đổi tuy nhiên sắp xếp lại cách viết;

– Về Người ra quyết định (ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu): Trường hợp người ra quyết định là cấp trưởng thì ghi chức danh của cấp trưởng, trường hợp người ra quyết định là cấp phó được cấp trưởng giao quyền thì ghi chữ viết tắt “Q.” trước chức danh của cấp trưởng và bổ sung thêm chức danh của cấp phó được cấp trưởng giao quyền, các trường hợp khác giữ nguyên cụm từ “người ra quyết định”.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (ĐẾN NGÀY 30/11/2020)

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH THUẾ, HÓA ĐƠN

(Tại công văn số 4818/TCT-PC ngày 12/11/2020 của Tổng cục Thuế)

  1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

1.1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Bổ sung quy định về thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn đã kết thúc và hành vi vi phạm đang thực hiện (khoản 1 Điều 8).

1.2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế

– Sửa đổi quy định về ngày thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế để tính thời hiệu xử phạt:

+ Hiện hành: Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.

+ Quy định mới: Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, trừ các trường hợp sau đây:

Đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 10; khoản 1, 2, 3, 4 và điểm a khoản 5 Điều 11; khoản 1, 2, 3 và điểm a, b khoản 4, khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế hoặc thông báo với cơ quan thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế.

Đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 10; điểm b khoản 5 Điều 11; điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

– Sửa đổi quy định về ngày thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi trốn thuế để tính thời hiệu xử phạt:

+ Hiện hành: Thời điểm xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc ngày tiếp theo ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.

+ Quy định mới: Ngày thực hiện hành vi trốn thuế (trừ hành vi tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP) là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế thực hiện trốn thuế hoặc ngày tiếp theo ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.

Đối với hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.  Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.

  1. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

– Sửa đổi quy định về xác định mức phạt tiền khi áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế:

+ Hiện hành: mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

+ Quy định mới: mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền (điểm d khoản 4 Điều 7).

– Bổ sung quy định rõ nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với hành vi vi phạm về hóa đơn: mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt.

  1. Hình phạt bổ sung

Bỏ quy định về hình phạt bổ sung “đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử”.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (ĐẾN NGÀY 23/11/2020)

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH THUẾ, HÓA ĐƠN

(Tại công văn số 4818/TCT-PC ngày 12/11/2020 của Tổng cục Thuế)

  1. Về phạm vi điều chỉnh

– Bổ sung quy định về việc không áp dụng Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử phạt  đối với vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 1).

– Bổ sung quy định rõ các khoản thu khác do cơ quan thuế quản lý thu (tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (khoản 1 Điều 2).

  1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

– Bổ sung quy định khi pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp của người nộp thuế, nếu bên được uỷ quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân được uỷ quyền là đối tượng bị xử phạt (khoản 1 Điều 3).

– Quy định chi tiết các đối tượng bị xử phạt là tổ chức, trong đó quy định rõ đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp, kê khai nộp thuế, sử dụng hóa đơn được xác định là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (khoản 2 Điều 3).

  1. Giải thích một số cụm từ sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

– “Văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế” là văn bản hành chính do cơ quan thuế các cấp ban hành để hướng dẫn một hoặc nhiều người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế trong một tình huống cụ thể. 

– “Quyết định xử lý của cơ quan thuế liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế” là quyết định xử lý về hoàn thuế đối với trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế; quyết định miễn, giảm thuế; quyết định về gia hạn nộp hồ sơ khai thuế; xử lý số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ hoặc được hoàn hoặc số lỗ chuyển kỳ sau trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

– “Ngày bắt đầu tính quá thời hạn tại Điều 10, 11, 13, 14 và 19 Nghị định 125/2020/NĐ-CP” là ngày đầu tiên sau ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp được gia hạn, ngày bắt đầu tính quá thời hạn là ngày đầu tiên sau ngày kết thúc thời hạn gia hạn.

– “Vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp” là vụ việc được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; vụ việc cần tham vấn từ các cơ quan, tổ chức chuyên ngành; vụ việc có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn hoặc hành vi trốn thuế.

– “Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”  là vụ việc có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc hành vi trốn thuế liên tiếp từ ba kỳ tính thuế trở lên.

– “Ngày phát hiện hành vi vi phạm” là ngày người có thẩm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm hành chính của đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

  1. Nguyên tắc xử phạt tổ chức, cá nhân cùng một thời điểm thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

– Bổ sung quy định trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế khai sai nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì hành vi khai sai thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.

– Bổ sung quy định trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều thông báo, báo cáo cùng loại về hóa đơn thì người nộp thuế bị xử phạt về một hành vi chậm nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;

– Bổ sung quy định rõ hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và hành vi trốn thuế) thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (điểm d khoản 3 Điều 5) (Điều 28 quy định về xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn).

– Bổ sung nguyên tắc trong một thủ tục hành chính có nhiều thành phần hồ sơ được quy định nhiều hơn một hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt đối với từng hành vi vi phạm.

  1. Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

– Bổ sung quy định rõ về tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính thuế quy mô lớn” là vi phạm hành chính với số tiền thuế (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn) từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500.000.000 đồng trở lên (khoản 2 Điều 6);

– Bổ sung quy định rõ về tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính về hóa đơn” có quy mô lớn là vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên (khoản 2 Điều 6)

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (NGÀY 16/11/2020)

Công văn số 4818/TCT-PC ngày 12/11/2020 của Tổng cục Thuế về một số điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và triển khai thực hiện Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

 

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 125/2020/NĐ-CP (NGÀY 09/11/2020)

 

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/12/2020.

Về cơ bản, các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP, song song với đó là các quy định để phù hợp với Luật Quản lý thuế 2019.

Một số điểm mới nổi bật tại Nghị định:

  1. Tăng mức phạt đối với hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế (Điều 19).

– Phạt tiền từ 6.000.000 – 16.000.000 đồng đối với hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Trước đây tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 129/2013/NĐ-CP thì Mức phạt tối đa đối với cá nhân là 5.000.000 đồng, mức phạt tối đa đối với tổ chức là 10.000.000 đồng.

Như vậy, đối với hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế thì mức phạt của Nghị định 125/2020/NĐ-CP đã tăng lên gấp 1,6 lần so với mức phạt ở Nghị định 129/2013/NĐ-CP.

  1. Có thể bị phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn ngay từ lần đầu trốn thuế (Điều 17).

Phạt tiền 3 lần số tiền thuế đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Trước đây, tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP quy định Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm từ lần thứ hai mà có 2 tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ 3 có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ tư trở đi.

Như vậy, Nghị định 125/2020/NĐ-CP không quy định là vi phạm lần thứ bao nhiêu mới có thể bị phạt 3 lần số tiền thuế trốn, mà quy định nếu ngay từ lần đầu tiên trốn thuế nếu có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên thì sẽ bị phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn.

  1. Bổ sung hình thức xử phạt khi hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn (Điều 27).

– Phạt cảnh cáo đối với hành vi hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy, tiêu hủy hóa đơn theo quy định mà có tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng đối với hành vi hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn từ 01 ngày đến 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy, tiêu hủy hóa đơn theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

– Phạt tiền từ 4.000.000 – 8.000.000 đồng đói với hành vi hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn phải hủy, tiêu hủy hóa đơn theo quy định.

(Thời hạn hủy hóa đơn được ghi nhận ở điểm b khoản 2 Điều 29 Thông tư 39/2014/TT-BTC).

Như vậy, Nghị định 125/2020/NĐ-CP sẽ giúp hạn chế những hành vi hủy, tiêu hủy hóa đơn quá thời hạn. Nếu vi phạm thời hạn hủy, tiêu hủy hóa đơn có thể sẽ bị phạt đến 8.000.000 đồng.

  1. Bổ sung quy định về mức xử phạt đối với hành vị vi “Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử quá thời hạn” (Điều 30).

Đặc biệt, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi “Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử quá thời hạn” có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Với những thay đổi trong việc nâng mức xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn, Nghị định 125/2020/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế.

Nghị định 125/2020/NĐ-CP  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng hành vi vi phạm đó kết thúc kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm đó.

(Nội dung điểm mới của Nghị định sẽ được tiếp tục cập nhật trong thời gian tiếp theo.)

DỊCH VỤ KẾ TOÁN MAI THANH

DỊCH VỤ CỦA MAI THANH

Dịch vụ thành lập công ty⭐ Cung cấp dịch vụ thành lập DN nhanh gọn, chính xác
Dịch vụ kế toán thuế trọn gói⭐ Kế toán đúng chuẩn mực kế toán, đúng luật thuế ban hành
Dịch vụ thuê văn phòng ảo⭐ Văn phòng ảo trọn gói nhiều tiện ích, tiết kiệm chi phí
Dịch vụ quyết toán thuế⭐ Làm lại hồ sơ, xử lý số liệu để quyết toán được nhanh gọn
Dịch vụ bảo hiểm⭐ Dịch vụ bảo hiểm đảm bảo lợi ích của người lao động
Dịch vụ giải thể DN ⭐ Giải thể nhanh gọn, rút ngắn thời gian cho khách hàng

Chia sẽ bài viết